Diễn biến Hoa_quân_nhập_Việt

Cuối tháng 8 năm 1945, 20 vạn quân Tưởng do Lư Hán làm tổng chỉ huy, Tiêu Văn làm phó tư lệnh vượt biên giới Việt-Trung tiến vào Việt Nam. Quân đoàn 62 và 53 tiến từ Quảng Tây, dưới sự chỉ huy của Tiêu Văn, đã chiếm Cao Bằng, Lạng Sơn, và những vị trí quan trọng dọc theo bờ biển tới Hải Phòng, còn quân đoàn 93 và 60 của Lư Hán từ Vân Nam tiến vào Lào Cai và dọc theo sông Hồng tới Hà Nội. Ngày 9 tháng 9, quân Tưởng tới Hà Nội.[8]

Quân Tưởng chiếm đóng Hà Nội và hầu hết các thành phố, thị xã từ biên giới Việt - Trung đến vĩ tuyến 16, hà hiếp nhân dân, cướp bóc khắp nơi.[9] Quân Tưởng đổi tiền với tỷ giá vô lý, gây nhiều bất bình cho người dân.

Việt Quốc, Việt Cách và Phục Quốc chia nhau kiểm soát các địa phương phía Bắc Hà Nội. Tại một số nơi các lực lượng này xung đột vũ trang với Việt Minh để giành quyền kiểm soát.

Ngày 14 tháng 9 năm 1945, Lư Hán đến Hà Nội. Lư Hán gặp Hồ Chí Minh, đòi Hồ Chí Minh phải "báo cáo quân số thực tế và tổ chức quân đội Việt Nam", đòi mỗi bộ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải có một người "liên lạc viên" của Trung Quốc, thậm chí đòi Việt Nam lùi giờ lại một tiếng theo giờ Trung Quốc.[10]

Để tránh phải một lúc đối đầu với nhiều kẻ thù, Việt Minh thực hiện chính sách nhân nhượng với quân Tưởng để tập trung chống Pháp. Chính quyền chấp nhận cho quân Tưởng tiêu xài đồng "quan kim", đồng ý cung cấp lương thực cho họ. Chính quyền thực hiện chính sách nhẫn nhịn, tránh xung đột với quân Tưởng và Việt Quốc, Việt Cách.[11]

Ngày 28 tháng 9 năm 1945, lễ đầu hàng của quân Nhật được tổ chức bởi Trung Hoa Dân Quốc.

Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương mở rộng Chính phủ lâm thời thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời, để cho một số nhân vật của Việt Quốc, Việt Cách tham gia Chính phủ. Ngoài ra, Việt Quốc và Việt Cách được 50 và 20 ghế trong Quốc hội Việt Nam không bầu cử.Quốc hội khóa I, họp đầu tiên ngày 2 tháng 3 năm 1946 đã bầu ra Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến trong đó Việt Quốc nắm Bộ (trưởng) Kinh tế, bộ Ngoại giao, Việt Cách nắm chức Phó Chủ tịch, Bộ Xã hội, Y tế, Cứu tế và Lao động, Bộ Canh nông.

Ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật.

Ngày 28 tháng 2 năm 1946 tại Trùng Khánh, sau một thời gian đàm phán kéo dài, Pháp ký với Trung Hoa Dân Quốc hiệp ước Pháp - Hoa. Những điều khoản chính: Trung Hoa đồng ý để quân Pháp vào Bắc vĩ tuyến 16 trở lên thay Trung Hoa giải giáp quân Nhật, đổi lấy việc Pháp trả lại các tô giới và nhượng địa của Pháp trên đất Trung Hoa; Pháp bán lại đường sắt Côn Minh - Hồ Kiều và miễn thuế quá cảnh ở Hải Phòng cho Trung Hoa.[12]

Ngày 6 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội, Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt được ký kết, trong đó có các điều khoản quan trọng:

  • Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay quân Tưởng và sẽ rút hết sau 5 năm, mỗi năm rút 3000 quân.
  • Hai bên đình chỉ ngay xung đột để mở rộng đàm phán chính thức.

Với nước cờ này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tránh được nhiều khó khăn: quân Tưởng rút về nước, quân Pháp tạm thời hòa hoãn, tuy nhiên Pháp được mang quân ra Bắc một cách dễ dàng.

Ngày 18 tháng 3 năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử một phái đoàn sang Trùng Khánh để giữ quan hệ hoà hảo với Trung Hoa Dân Quốc.

Ngày 15 tháng 6 năm 1946, quân Tưởng hoàn toàn rút khỏi Việt Nam. Tháng 7 năm 1946, xảy ra Vụ án phố Ôn Như Hầu, Việt Quốc, Việt Cách suy yếu. [13]